Như nhiều người Việt Nam khác từng có không ít những tháng năm ăn học sinh sống ở Matxcơva, lại có dịp trở lại nơi đây nhiều lần, vậy mà mãi đến mùa hè năm 1993, cách đây đã mười lăm năm, lần đầu tiên tôi mới có cơ hội đặt chân đến trường Đại học Văn chương mang tên M.Gorki.
Không hùng vĩ như trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên M.V.Lomonoxov – nhiều người thường quen cái tên gọi tắt là trường MGU, cả một khu lâu đài tráng lệ trải rộng trên hàng cây số vuông, sừng sững trên đỉnh đồi Vorobiov (Chim sẻ), một thời còn có tên gọi là Đồi Lenin, nhìn xuống toàn cảnh thủ đô Matxcơva với con sông cùng lên uốn lượn – Đại học Văn chương mang tên Gorki chỉ nằm gọn trong một toà biệt thự cổ kính ẩn sâu sau vườn cây cối cổ thụ với hàng rào bằng gang phía cổng chính ra vào, hướng ra phố “Đường hàng cây Tverxkoi”, số nhà 25, lẫn bên nhiều toà nhà cổ xưa khác trong khu biệt thự vốn của giới thượng lưu quý tộc Matxcơva từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng nhiều người từ lâu vẫn ngưỡng vọng tên tuổi trường này, trong đó có bản thân tôi. Tôi đã từng thầm ao ước một lần được đặt chân đến chốn này.
Bản thân toà nhà biệt thự đã là một di tích lịch sử văn hoá Nga có nhiều giá trị. Tại ngôi biệt thự 25 Đường hàng cây Tverxkoi này, vào năm 1812, từng có một sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với lịch sử văn học Nga và càng lớn lao đối với lịch sử phong trào cách mạng Nga: Nơi đây ra đời con người mà chỉ ít lâu trở thành nhân vật được số phận giao phó trọng trách thức tỉnh nước Nga nông nô… Đó chính là nhà văn, nhà cách mạng dân chủ, nhà triết học Nga Alekxandr Ivanovich Ghertxen (1812 – 1870) với những tác phẩm triết học, văn học nổi tiếng như “Chủ nghĩa duy vật trong khoa học” (1842 – 1843), “Những bức thư về việc nghiên cứu thiên nhiên” (1844 – 1845)… và tiểu thuyết “Ai là kẻ có lỗi?” (1841 – 1846), truyện dài “Bác sĩ Krupov” (1847), “Con chim ác là – kẻ cắp” (1848)… Và nhất là tờ báo “Cái chuông” xuất bản ở châu Âu bí mật phát tán trong nước Nga, làm cho giới cầm quyền Sa hoàng ăn không ngon ngủ không yên… Chỉ mới chưa đầy sáu tháng tuổi Ghertxen đãđược gia đình mang theo, vất vả tản cư ra khỏi kinh thành Matxcơva tự thiêu đốt trước khi đạo quân xâm lược Napoleon Pháp tiến vào. Không còn bao giờ quay trở lại chốn cũ, nhưng nhà văn Ghertxen vẫn nhớ đến nơi này trong tác phẩm hồi ký tự sự nổi tiếng của mình “Chuyện qua và tâm tưởng”.
Từ đây toà nhà biệt thự nhiều lần thay đổi chủ, tuy vậy ngay ở nửa đầu thế kỷ XIX có thời đã từng trở thành một sa lon văn chương, nơi hội tụ của nhiều trí thức ưu tú Nga đương thời, các nhà văn Gogol, Akxakov, Bielinxki, nhà sử học – hoạt động xã hội Granovxki T.N. (1813 – 1855), nghệ sĩ sân khấu, ông tổ của chủ nghĩa hiện thực và nhà cải cách sân khấu Nga Sevkin M.X. (1788 – 1863). Rất có thể trong số đó có cả nhà thơ A.Puskin. Tiếc là đây chỉ là phỏng đoán của nhiều người, vì chưa tìm ra tài liệu xác minh. Đến cuối thế kỷ XIX toà biệt thự lại là nơi anh em nhà Granat – Alekxandr và Igriti đứng ra tổ chức nhà xuất bản với nhãn hiệu “Đường hàng cây Tverxkoi” chuyên ra “Tự điển bách khoa”. Cuốn sách “Các Mác” của V.Lenin, ký bút danh là V.Ilin, lần đầu xuất bản cũng mang dấu ấn của “Đường hàng cây Tverxkoi”.
Sau cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1920, theo kế hoạch của Lenin về việc tuyên truyền các di tích văn hoá lịch sử, trên trụ cổng hàng rào gang toà nhà biệt thự số 25 Đường hàng cây Tverxkoi được gắn tấm biển đồng có chân dung nhà văn A.I.Ghertxen. Từ đây người ta quen gọi toà nhà này là nhà Ghertxen – Trường Đại học Văn chương Gorki ở biệt thự Ghertxen. Cũng năm 1920, nhà Ghertxen được giao cho các tổ chức nhà văn: Liên hiệp các nhà văn vô sản Nga (RAPP) được tiếp quản. Các nhà văn lúc bấy giờ như Maiakovxki, Exenhin, Briuxov… thường lui tới đây, đọc thơ, bình văn, tranh luận, bàn thảo về mọi vấn đề xã hội cũng như văn chương. Một số khác lại từng sống ngay tại đây: chẳng hạn nhà văn A.Platonov (1899 – 1951) đã sống và mất tại đây. Nhà thơ Ioxif Mandelstam (1891 – 1939) cũng có thời gian tá túc, rồi nhà văn A.Fadeev cũng có thời định cư trên tầng ba của toà nhà.
Cũng ở đây, văn hào M.Gorki đã gặp gỡ với nhiều nhà văn Xô viết và trao đổi với họ về ý tưởng xây dựng một cơ sở đào tạo cung cấp kiến thức chuyên môn về văn chương cho con em công nông. Ý tưởng của Gorki được Lenin tán thành và ít lâu sau đã trở thành hiện thực.
Trường Đại học Văn chương ra đời vào năm 1933 và địa điểm của trường được chọn chính là toà biệt thự nhà Ghertxen. Thoạt đầu trường mang tên “Đại học Văn chương công nhân buổi tối”, đến năm 1936, được đổi tên là trường “Đại học Văn chương mang tên M.Gorki”. Đây là cơ sở đào tạo đại học nghiên cứu các bộ môn khoa học xã hội và ngữ văn kết hợp với các lớp chuyên đề sáng tác (văn xuôi, thơ, kịch, phê bình văn học, dịch văn chương nghệ thuật). Đến năm 1953, tức 20 năm sau, trường mở thêm các khoá đào tạo trên đại học.
Kể ra thì ngay khi trường Đại học văn chương ra đời đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người bảo Doxtoievxki, Lev Tolxtoi có học trường văn chương đâu mà cũng trở thành những nhà văn vĩ đại. Ngay trong giới trí thức Xô viết người ta cũng tranh luận: Cần gì phải có một trường đại học văn chương.
Nhưng trường Đại học Văn chương Gorki – một cơ sở giáo dục độc đáo, có lẽ trên thế giới mới chỉ có một, tồn tại một cách lâu dài, luôn luôn là một trường đại học trong hệ thống giáo dục chính thống. Tuy trước đây trực thuộc Hội Nhà văn Liên xô, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Hội nhà văn Liên Xô cũng chia năm sẻ bảy, trường Đại học văn chương Gorki vẫn là một trường Đại học có uy tín, hàng năm vẫn tuyển chọn hàng 500 – 700 sinh viên, vẫn được ghi nhận giới thiệu trong một từ mục trong các từ điển Bách khoa Liên bang Nga
Mục đích của trường Đại học văn chương Gorki không phải là để đào tạo ra nhà văn, mà chỉ là phát triển tài năng, phát triển khiếu thẩm mỹ, dạy dỗ làm người có vốn tri thức cao và là những công dân thực sự của đất nước. Tuy nhiên, thực tế trường đã cống hiến cho đất nước Liên Xô trước đây, trong đó có Liên bang Nga, các nước dân tộc – trong liên bang Xô viết, ngoài ra còn đào tạo cho nhiều dân tộc khác trên thế giới, không phải chỉ một thế hệ các nhà văn tài năng, tên tuổi vượt ra khỏi biên giới mỗi nước và tác phẩm trở thành những di sản tinh thần quý báu đối với cả nhân loại. Chẳng hạn những Chinghis Aitmatov, Iuri Bondarev, Raxul Gamzatov, Xergay Mikhalkov, Konxtantin Ximonov, M.Aliger, Valentin Raxputin, Vaxili Belov, Evgheni Dolmatovxki, v.v… Chỉ trong vòng mấy chục năm, đến năm 1973, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, nhà trường tổng kết đã có tới 2500 người tốt nghiệp, trong số đó 1300 người trở thành hội viên Hội nhà văn Liên Xô, 558 người hoàn thành chương trình trên đại học, trở thành các nhà phê bình nghiên cứu văn học có uy tín, các giảng viên, giáo sư lên bục giảng ở các khoa ngữ văn nhiều trường Đại học, viện nghiên cứu khác, cũng như bổ sung cho đội ngũ giáo sư của chính nhà trường.
Liên tục tuyển lưạ sinh viên hàng năm, mỗi năm, năm – bảy trăm học viên mới, trường Đại học văn chương Gorki không ngưng nghỉ bao giờ. Ngay cả trong những năm chiến tranh vệ quốc 1941 – 1945, số đông thầy trò đều tình nguyện ra mặt trận, người lập chiến công hiển hách, kẻ hy sinh, những người bị thương trở về lại tiếp tục học, tiếp tục giảng dạy. Trong thời gian chiến tranh, chính ở giữa sân vườn trường, nơi ngày này đã dựng tượng đài Ghertxen, là một hầm kho đạn pháo, ụ pháo nằm ngay giữa mặt đường Hàng cây Tverxki ngoài kia. Bom cháy bọn phát xít Đức ném xuống, rơi cả vào mái nhà nhà trường. Ngày đêm thầy giáo cùng sinh viên còn ở lại trường thay nhau trực trên mái nhà trường để dập lửa bom…
Lần đầu tôi có cơ hội đến thăm trường là nhờ có các bạn trẻ trong nhóm 5 sinh viên được Trường viết văn Nguyễn Du lựa chọn cử sang học khoa dịch thuật hệ dài hạn chính quy, lúc ấy còn đang theo học năm cuối cùng. (Người có công kết nối giữa hai trường và đưa các sinh viên trường Nguyễn Du sang học tại Gorki theo hệ dài hạn chính quy là T.S Phạm Vĩnh Cư). Bấy giờ vừa xảy ra các sự kiện chính biến lớn tại Nga đảo lộn cả xã hội, liên bang các nước cộng hoà Xô viết xã hội chủ nghĩa không còn nữa, nhưng với sự nỗ lực của nhiều trí thức Nga, trước hết là đương kim hiệu trưởng lúc đó nhà văn Evgheni Xidorov, ít lâu sau lên giữ ghế bộ trưởng liên bang Nga, và tân hiệu trưởng – nhà văn Xergey Exin, trường Đại học văn chương Gorki vượt bao vất vả gian truân vẫn trụ vững trên lãnh địa của mình. Trong bối cảnh mới, khi cơ chế thị trường tự do đang bung ra, nhiều kẻ nhăm nhe nhòm ngó địa điểm toà biệt thự nhà Ghertxen. Rộng rãi sang trọng, ấm cúng, ở giữa khu trung tâm thủ đô rất tiện để biến thành trụ sở cho công ty vinh danh nào đó mới ra đời hay một quán bar sang trọng… Nhà văn hiệu trưởng X.Exin phải gồng lên và cũng đã phải trả giá. Căn hộ của ông đã bị những kẻ không thương lượng mua bán nổi với ông, phóng hoả thiêu cháy…
Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ, một trong 5 sinh viên tôi kể trên, lần đầu đưa tôi đến thăm trường đã chỉ cho tôi thấy ông hiệu trưởng – nhà văn X.Exin bữa ấy trong nhà ăn tập thể của trường đang xếp hàng cùng mọi người nhận xuất ăn trưa miễn phí mà chính ông đã xoay sở được để động viên mọi người, các thày giáo cũng như sinh viên, đều đặn đến trường trong thời điểm đời sống vô cùng khó khăn sau khi chế độ bao cấp không còn nữa. Tôi đã tranh thủ bấm một kiểu ghi lại hình ảnh ấy.
Lần này chính thức đi trong đoàn nhà văn Việt Nam theo lời mời của Hội các nhà văn nước Nga, ngoài những món quà của Hội nhà văn Việt Nam mang theo, tôi chuẩn bị phóng to một tấm ảnh ghi cảnh ông hiệu trưởng nhà văn X.Exin xếp hàng ở nhà ăn tập thể mười mấy năm trước, kèm theo bản sao chụp bài “Thăm trường M.Gorki” tôi viết được đăng trên báo Văn nghệ của ta, để làm quà. Đến nơi được biết nhà văn X.Exin đã thôi chức hiệu trưởng. Ông đã hoàn thành sứ mạng của mình: giữ vững, không để mất trường Đại học văn chương Gorki, đưa nó vào một nề nếp mới từ quy trình chiêu sinh cho đến chương trình giảng dạy, xây dựng và phát triển bảo tàng văn học Xô viết và tiếp tục phát huy các truyền thống văn học Xô viết – một việc làm tưởng như trái khoáy khi đề ra vào thời điểm Liên Xô vừa tan rã… Ngay sau lần đầu tôi được đến thăm trường, vào cuối năm ấy trường Đại học Văn chương Gorki, dưới sự lãnh đạo của hiệu trưởng nhà văn Exin đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Cuộc kỷ niệm đơn giản nhưng thật long trọng, nhiều báo chí đã phản ánh sự kiện này.
Trước đó là cuộc chiêu sinh năm học mới. Mặc dù không còn Liên Xô nữa, nhưng trong số các thí sinh trúng tuyển bước vào giảng đường của trường lần này vẫn còn có các em từ Extoni, một nước ở Baltich vừa dứt khoát tách khỏi cộng đồng nhiều dân tộc, cả từ Ukraina…
Ông hiệu trưởng – nhà văn X.Exin đã tự hào về chuyện ấy: Đấy liệu không phải tình hữu nghị các dân tộc sao? “Các em viết bằng tiếng Nga, các em có tài, và tôi không quan tâm đến chính trị”.
Ông thu hút mọi người cùng cộng tác đẩy nhà trường đi lên: cùng giảng dạy bình đẳng trong trường bên cạnh các nhà văn thế hệ trẻ theo khuynh hướng dân chủ như Tatiana Bek và Andrey Bitov có cả nhà thơ Lev Osanhin, nhà thơ E. Đolmatovxki, thuộc thế hệ già và, có thể, không có những quan điểm thật hợp thời.
Ý tưởng xây dựng tại trường Bảo tàng “khoa văn học Xô viết”, không phải khoa văn học Nga giai đoạn Xô viết, không hề có tính chất giả định, mà thực sự là Xô viết; cũng được ông đưa ra…
Tiếp đoàn nhà văn Việt Nam lần này là tân hiệu trưởng – tiến sĩ khoa học ngữ văn, nhà hoạt động công huân khoa học Liên bang Nga Taraxov Borix Nikolaievich.
Trong khi chờ đợi ông tân hiệu trưởng còn đang phải chủ trì một hội nghị, chúng tôi dạo chơi trong vườn trường. Đang định ra cùng nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chụp ảnh dưới tượng Ghertxen thì anh Oleg Bavưkin, trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Nga, đi cùng đoàn, hối hả gọi tôi lại. Một cuộc gặp gỡ thật bất ngờ. Nhà văn X.Exin, tôi nhận ra ngay ông và ông cũng nhận ra tôi, dù lần ấy ông tiếp tôi ở văn phòng, nhưng trò chuyện đâu chỉ non giờ đồng hồ. Tôi với lấy món quà riêng giành cho ông biếu ông. Ông ngạc nhiên nhận ra mình trong bức ảnh tôi “chụp trộm “mười lăm năm về trước và đón nhận món quà một cách cảm động và thích thú. Chúng tôi ôm nhau rồi cứ đứng nhìn nhau mà chuyện trò. Ông còn bận lên lớp nên chỉ trao đổi đôi lời hẹn còn gặp lại nhau. Ông kéo tôi cùng đi về phía nhà một tầng bên cánh phải, nơi sinh viên đợi ông. Vừa đi ông vừa hứa – giờ thì ông đãcó thể chủ động xếp sắp thời gian của mình – có dịp ông sẽ sang thăm lại Việt Nam và khi ấy ông và tôi hẳn sẽ có dịp bên nhau lâu hơn…
Còn tân hiệu trưởng, tiến sĩ Taraxov B.N. xong công việc chính vào lúc đã xế trưa, từ bậc tam cấp toà nhà chính đi xuống rảo bước đến bắt tay chào đón chúng tôi, rồi dang tay cùng một cộng sự của mình, ông Muraviov trưởng khoa dịch thuật trường Đại học Xã hội nhân văn, thỉnh giảng viên của trường, mời chúng tôi đi đến khu nhà gỗ trang trí lịch sử nằm ở địa điểm xưa là căn nhà ăn công cộng của trường, nơi tôi lần đầu tiên thấy ông hiệu trưởng trước – nhà văn X.Exin.
Bên bộ bàn ghế gỗ kiểu Nga đã bày biện sẵn các món ăn Nga với rượu vodka, chủ khách vừa đủ một cỗ sáu người, câu chuyện được chủ nhà vào đề ngay. Tôi và nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cùng đại diện Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở Liên bang Nga và nhà văn Nga Oleg Bavưkin nâng cốc chào chủ nhà và tôi được phép trình bày những điều trước khi đi Hội giao phó. Tôi làm phiên dịch luôn cho nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đặt các câu hỏi tìm hiểu nhà trường…
Tiến sĩ Taraxov B.N. khẳng định các thành tựu của nhà trường nhân dịp trường sắp kỷ niệm 75 năm thành lập vào tháng mười hai sắp tới. Ông khuyến khích ý tưởng nối lại quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam với trường của ông. Đã từng có hàng sáu, bảy chục nhà văn Việt Nam sang các đợt nối tiếp ngắn hạn ở trường ông vào những năm 80. Cũng lại đã có 4 đợt sinh viên Việt Nam được đào tạo chính quy dài hạn ở trường ông. Tại sao giờ đây phía Việt Nam không cử tiếp người sang học? Và hình thức trao đổi các giảng viên giữa trường Đại học văn chương Gorki với trường nâng cao sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam rất nên trở lại, như giữa trường Gorki với trường Nguyễn Du trước đây. Tất nhiên có những khó khăn. Nhưng việc gì mà không có khó khăn, chỉ cần thấy cần thiết phải làm là đều có thể tìm ra cách khắc phục. Cái chính là cần có sáng kiến và nhiệt tình.
Bữa ăn cũng là một cuộc chuyện trò trao đổi thân tình kéo khá dài. Thời gian còn lại không cho phép đi thăm được các bộ phận của trường nên đoàn nhà văn Việt Nam chỉ kịp cảm ơn và tặng chủ nhà một số kỷ vật. Riêng món quà Hội nhà văn gửi tặng nhà trường một bức trướng mừng 75 năm thành lập đành để dành nhờ các anh chị Hội văn nghệ Việt Nam tại Liên bang Nga mang đến ngày lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào cuối năm nay vậy.
Th.T
Từ trái sang: Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, phóng viên đài Tiếng nói nước Nga E. Nikulina, nhà thơ-dịch giả Thuý Toàn, nhà văn X. Exin (Hiệu trưởng cũ), nhà văn O.Bavưkin tại sân trường Gorki, 2008. Ảnh: Nguyễn Thị Kim Hiền