Thi hào Nga Puskin: Quan hệ của nhà thơ với vợ

Thi hào Nga Puskin – Những vỉa tầng chưa được khám phá                                 

II – Quan hệ của nhà thơ với vợ

      Rất nhiều bạn bè và sau này là các nhà nghiên cứu, vẫn đinh ninh chắc chắn rằng đám cưới với Natalia Nhikolaievna Gôntrarova là bước đi định mệnh của nhà thơ. Họ chú ý rất nhiều đến những cố gắng gần như bệnh hoạn của Puskin để cưới bằng được người đẹp và những khó khăn chắc trở trên con đường dẫn tới hôn nhân của đôi trai tài gái sắc này. Song, trên thực tế , việc lấy vợ của nhà thơ cần được giải thích như một quyết định cần thiết và mang tính cấp cứu. “ Tôi đã hai bảy tuổi rồi, bạn thân mến của tôi – Puskin bộc bạch trong một bức thư gửi bạn thân – Cần phải sống, phải cảm nhận được hạnh phúc. Cuộc đời của tôi nay đây mai đó, gập ghềnh đầy biến động. Tính cách của tôi không phẳng lặng, thăng bằng, hay ghen, dễ bị tổn thương, rất dễ nổi nóng và yếu đuối ” . Lời tiên đoán về con đường danh vọng đã trở thành hiện thực. Đó là điều duy nhất khiến nhà thơ thoả mãn và hài lòng, còn lại là thất vọng sâu sắc : Mối quan hệ với chính quyền, vị trí trong xã hội, các mối quan hệ với phái đẹp. Nhà thơ dường như quá mệt mỏi vì chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao Puskin khao khát có gia đình riêng. Những tại sao lại chính là Natalia Gontrarova?
     Trong tình yêu, câu hỏi “Tại sao” thường không nhận được câu trả lời thoả đáng. Người ta vẫn nói rằng nếu người đàn ông có thể trả lời được vì sao anh ta yêu người đàn bà này, điều đó có nghĩa là anh ta đã không yêu. Puskin trong khoảng thời gian trước đám cưới, theo hồi ức của những người đương thời, trông hết sức mệt mỏi và bơ phờ. Các cuộc tình thường xuyên và trác táng với các quí bà lẳng lơ đã trở thành tai tiếng thời đó. Song, ông không tìm thấy người đàn bà lý tưởng của mình.  Ông vươn tới một sự hoàn mỹ, trinh trắng và tuyệt đối. Cuối cùng, Puskin đã tìm thấy. Natalia Nhikolaievna hay nhà thơ còn gọi một cách thân mật là Tasa – cả hình thức bên ngoài và tâm hồn phù hợp hơn cả với người đàn bà lý tưởng của Mặt trời thi ca Nga. Về sắc đẹp của người phụ nữ này đã làm tốn không biết bao nhiêu bút mực. Như một nhà thơ nổi tương thời đó miêu tả : “ Có một cái gì đó hư ảo và dễ thương trong toàn bộ khuôn trang của người đẹp – Rồi cũng chính ông này nhận định : – Người phụ nữ này sẽ không hạnh phúc. Cô ấy mang trên mặt dấu ấn của sự đau khổ ”. Thời đó, người ta chê vợ Puskin là trống rỗng, không thông minh và bất tài. Con người ta thật dễ căm ghét vợ của các vĩ nhân ! Sắc đẹp của người phụ nữ này chẳng khác gì “khổ vì trí tuệ” đối với đàn ông. Nếu một người phụ nữ đã đẹp lại còn thông minh nữa thì quả là một gánh nặng quá sức chịu đựng. Natalia không thông minh sắc sảo, song Puskin cũng chẳng vì thế mà phật lòng. Tuy nhiên, người đời có lý khi trách cô tính tình nhẹ dạ, cả tin.
    Trong khi tiến hành đám cưới đã xảy ra nhiều điềm gở. Nữ công tước Đongorukova hồi tưởng lại  : “ Đúng lúc hai người đang đứng trước thánh đường thì cây thánh giá vô tình đổ xuống. Puskin mặt tái đi vì sự việc xảy ra. Sau đó, ngọn nến trong tay ông bị tắt. “Tous les mauvais augueres – Puskin thốt lên bằng tiếng Pháp ( Toàn những điềm gở)
Tuy vậy, những năm đầu tiên của cuộc sống gia đình, Puskin rất hạnh phúc. Nhà thơ viết thư cho một người bạn thân : “ Gia đình tôi đông đúc dần lên, lũ trẻ nô đùa hò hét xung quanh. Hình như, chẳng còn gì phải than vãn nữa, ngay cả tuổi già cũng chẳng có gì đáng sợ”. Song, không phải mọi chuyện đều suôi chèo mát mái. Nga Hoàng chói buộc ông vào phục vụ các lễ nghi cung đình. Nhà thơ thổ lộ : “ Ba ngày nay, tôi ủ dột sầu nào trong đội ngũ quân cấm vệ. Song, cung đình có ý muốn để Natalia tham gia vũ hội tại cung Anhikova”. Tại đây,  thường diễn ra các buổi vũ hội hoành tráng và chỉ  mời tới các nhân vật thuộc tầng lớp quí tộc của xã hội. Hai vợ chồng nhà thơ thường đến đây.  Thực ra, đây là một thế giới hoàn toàn xa lạ với bản tính của Puskin, song mặt khác ông cũng cảm thấy hãnh diện với vị trí xã hội mới của mình và những thành công trong giới thượng lưu của người vợ đẹp nổi tiếng.
    Cùng ở trong nhà với  gia đình Puskin, còn có hai chị của Natalia là chị cả Ekaterina và chị hai Xanhia. Puskin không thích như vậy. Ông viết  cho vợ : “ Ý kiến của anh là một gia đình chỉ nên có vợ, chồng và con cái. Chỗ ở của chúng ta rất eo hẹp. Sự yên tĩnh trong gia đình hầu như không có”. Song, gì thì gì, Puskin cũng phải chiều và nhân nhượng  các yêu cầu của vợ mặc dù rất biết  sự khó tính của bà mẹ vợ.  Các chị của Natalia đều sống ở nông thôn và bà mẹ không thích đưa các cô lên Matxcova vì cho rằng ở Sant-Peterburg các cô dễ lấy chồng hơn. Cô chị cả Ekaterina hân hoan viết về cuộc sống mới của mình: “ Chúng tôi thường xuyên xuất hiện ở trốn thượng lưu, quay cuồng trong các thú vui tiêu khiển và giải trí, chẳng có buổi chiều nào ngồi nhà cả ” . Chẳng cần phải đi sâu thêm về chi tiết cũng đủ biết sự hào phóng của Puskin đã đẩy ông tới tình trạng tài chính thế nào. Chi phí cho các trang phục vũ hội đột nhiên tăng lên gấp ba lần.
   Cũng chính trong thời điểm này, bức màn kiểm duyệt trở nên khắc nghiệt, những chỉ trích bất công dội lên đầu nhà thơ, rồi sự theo dõi của chính quyền ngày càng tăng. Các bức thư gửi vợ của ông bị bóc trộm. Nợ nần chồng chất. Kết quả là sức sáng tạo bị giảm đi. Đó là cái nền phủ một màu xám xịt trước khi bi kịch chính mở màn.

Vũ Tuấn Hoàng    
( Biên soạn và dịch)