Thi hào Nga Puskin – Những vỉa tầng chưa được khám phá

 
                                                      I

        Puskin rất thích tiên đoán tương lai. Ngay từ khi còn rất trẻ, ông vẫn thường cùng đám bạn học  đến xem bói tại nhà của bà bói người Đức Kirgrov. Lời tiên đoán của bà ta, sau được một người bạn rất thân với nhà thơ  là Xôbôlevski. C.A khẳng định lại : “ Tôi nhớ chính xác. Có năm lời tiên đoán. Thứ nhất – cậu ấy sắp có tiền. Thứ hai – Có một lời đề nghị bất ngờ. Thứ ba- sẽ trở thành một người nổi tiếng và là thần tượng của những người đương thời. Thứ tư – hai lần chịu đi đày và cuối cùng là : sống lâu, nếu như ở vào tuổi ba bảy vượt qua được  tai hoạ do ngựa trắng hoặc là người tóc trắng gây nên. Ngày chiều hôm đó, Puskin nhận được món tiền nợ đã bị quên từ lâu. Mấy ngày sau nữa, ông được xung vào đội kỵ binh. Rồi tiếp là Nga hoàng đày ông đi miền Nam, và bốn năm sau lại đầy đi tỉnh Pskov…Những sự trùng hợp như vậy  gây ấn tượng mạnh tới Puskin, một  người rất mê tín. Một thầy bói người Hy Lạp ở Odessa đã khẳng định những lời tiên đoán của bà bói người Đức. Ông ta trở Puskin ra ngoài cánh đồng vào một đêm trắng sáng và hỏi ngày giờ sinh. Sau khi niệm chú xong, ông ta nói là Puskin sẽ bị chết vì ngựa hoặc vì một người có bộ tóc trắng. Sau này, khi sống ở Matxcova Puskin rất hay thăm viếng một bà bói nổi tiếng thời bấy giờ , người mà chính Quận công Aleksandr Pavlovich rất hay đến nhờ xem bói .Trước đó, Nhà thơ nhiều lần bày tỏ ý muốn đến bà bói này nhưng bị người yêu của mình lúc đó  là  Ekaterina Usakova tìm cách ngăn cản. Nhưng rồi một lần, Puskin đến chơi nhà  người yêu và thông báo rằng ông đã đến xem bói và bà ta tiên đoán : ông sẽ bị chết vì vợ.  Lời tiên đoán lạ lùng này như một thùng nước băng giá dội lên đầu Ekaterina Usakova. Những  suy tư lo lắng cho bản thân và cuộc sống của người mà cô rất yêu quí đã làm thay đổi quan hệ của cô với Puskin về vấn đề tiến tới hôn nhân. Thế là mọi cái đi đến chỗ đổ vỡ. 
   Puskin luôn luôn nhớ đến những lời tiên đoán dữ dằn đó và đôi khi như muốn cố tình chọc tức Số phận để đưa đến những cuộc đấu súng. Nếu tính cả cuộc đấu súng cuối cùng mang tính định mệnh thì trong đời nhà thơ đã có hai mốt cuộc đấu. Tuy nhiên, đại đã số các cuộc thách đấu này có kết cục bằng việc giảng hoà hay có sự can thiệp của chính quyền. Theo một số  nguồn tư liệu thì nhiều cuộc thách đấu đều do nhà thơ tuyên chiến đầu tiên và vì những nguyên cớ chẳng đâu vào đâu. Một khi động chạm tới vấn đề danh dự thì nhà thơ không chỉ không giữ được sự tế nhị mà còn rất lấy làm quá lo lắng. Nhưng một khi đã bứơc ra trường đấu rồi thì ông rất bình tĩnh và không còn biết sợ là gì. Puskin đã không ít lần phải đọ súng với các sĩ quan đã từng tham gia chiến tranh năm 1812. Nhưng cũng thật đáng ngạc nhiên, ông chưa bao giờ bị thương dù là xây xát nhỏ!
  Số lượng các cuộc đấu súng nhiều nhất vào thời kỳ nhà thơ ở tuổi vị thành niên. “ Nhờ ơn Chúa mà những cuộc đấu đó không dẫn đến chết người – Karamzina E.N viết . Trong thời kỳ bị đi đầy ở Miền Nam, số lượng các cuộc đấu còn nhiều hơn. Làn sóng đấu súng thứ hai rộ lên vào thời kỳ nhà thơ đã có vợ , thời kỳ “ khủng hoảng của tuổi trung niên” . Sau đó, ông không đấu súng trong vòng tám năm liền. Nhưng đến năm cuối cùng, thì con quỉ dữ trong người nhà thơ như thể giật đứt tung xiềng xích. Nếu như chúng ta thiết lập một bản đồ thống kê các cuộc đấu súng trong cuộc đời Puskin thì nó tỷ lệ thuận với những giai đoạn khủng hoảng của ông khi mà những mâu thuẫn bên trong và bên ngoài lên đến đỉnh điểm.
  Chính Puskin đã nhìn thấy trước số phận của mình. Những cung bậc u ám thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm cuối đời ông. Nhà thơ không sợ chết. Có vẻ như ông không sợ ai và cũng không sợ bất cứ cái gì trừ mất danh dự của bản thân cũng như của gia đình mình.

Vũ Tuấn Hoàng
( Biên soạn và dịch theo tư liệu  Nga)  
   
II – Quan hệ của nhà thơ với vợ
III – Con người thật của Đantes
IV – Những bức thư mới được phát hiện trong lưu trữ của dòng họ Đantes.
V – Puskin chôn ở đâu? Có thể không phải ở nơi mà mọi người vẫn nghĩ…
VI – Hậu duệ của nhà thơ.