ÔNG GIÀ NÔEN
Ông già Nôen không mặc áo cộc tay
Ông già Nôen khoác áo choàng màu đỏ
Khi ông cười với đàn em nhỏ
Râu ông dài một màu trắng bay bay
Đêm muộn rồi sương gió bay bay
Ông già Nôen về đến nhà trong ngõ
Thở một hơi dài, cởi áo choàng màu đỏ
Mồ hôi tràn trong chiếc áo cộc tay
Ông già Nôen trong bài thơ ấy chính là hắn đấy ! Hôm vô tình đọc bài thơ trong báo, hắn thấy đúng là người ta viết về mình. Đó là Nôen năm ngoái, trời không rét lắm, bên trong hắn mặc một chiếc áo sơ mi cộc tay, thêm một chiếc áo len cũng cộc tay, bên ngoài khoác chiếc áo choàng màu đỏ, đội chiếc mũ đỏ có trang trí những ông sao màu trắng bạc. Hắn nhận đi phát quà cho 3 đứa trẻ ở 3 địa điểm cách xa nhau trong thành phố, mỗi suất được thù lao 50.000 đồng. Đối với một kỹ sư điện mới ra trường như hắn, lương tháng hơn hai triệu, thì số tiền thù lao ấy cũng là một khoản đáng kể. Vả lại, nhà hắn nghèo, hắn lại là con cả, sau hắn còn hai em đang tuổi ăn học. Hắn mồ côi cha, mẹ bán hàng rong ở vỉa hè. Mỗi tuần một buổi chiều, hắn còn nhận dạy kèm thêm môn Toán cho một học sinh lớp 12. Nhà hắn ở sâu trong ngõ. Hà Nội có những con ngõ nhỏ đến bất ngờ, đầu ngõ vào nhà hắn là một khoảng trống chiều ngang chưa đến một mét ở giữa hai nhà số chẵn phố Khâm Thiên, nếu hai người dắt xe máy gặp nhau ở giữa ngõ thì người phia đầu ngõ phải tháo lui để nhường đường.
Suất quà cuối cùng, hắn có nhiệm vụ mang đến cho một thằng bé 5 tuổi ở tầng 7 nhà CT6 đơn nguyên 4 khu đô thị Mỹ Đình. Người cũng đã thấm mệt, rời thang máy rồi bấm chuông đứng đợi, hắn đã cảm thấy những giọt mồ hôi âm thầm lăn nhẹ sau lưng.
– A ! ông già Nôen, mẹ ơi! cô Tuyết ơi! ông già Nôen mang quà cho con này!
Cô Tuyết là cô của thằng bé, là nàng đấy! Hắn quen nàng trong trường hợp ấy. Chẳng biết tại sao, hai bên lại có cảm tình với nhau ngay trong lần đầu gặp gỡ. Cũng có thể là do cái dáng thư sinh nho nhã của hắn, chiều cao gần mét tám, hơi gầy, nhưng trông không đến nỗi nào. Còn nàng, thì tại đôi mắt, nó đen và sâu thẳm, nhìn vào đó hắn thấy hơi ngợp nhưng vẫn cứ thích nhìn.
– Năm nào anh cũng làm ông già Nôen à ?
– Năm nay là lần đầu, mấy năm trước tôi bận học lắm.
– Anh học trường nào ?
– Đại học Bách khoa, khoa Điện, tôi mới ra trường…
Sau đó, hắn biết là nàng còn hơn năm nữa thì ra trường, nàng học khoa Du lịch ở Đại học Kinh tế quốc dân, nàng kém hắn 2 tuổi. Nàng cũng ở nhà CT6, tầng 8, là con gái đầu của
một ông bố có lương tháng gần 36 triệu đồng. Chính điều này làm hắn đắn đo suy nghĩ,
khi quan hệ giữa nàng và hắn hình như đã vượt qua một khoảng cách đáng kể, hai bên bắt đầu gọi nhau bằng Mèo ơi.
Anh và em là hai con mèo nhỏ
Nói với nhau vẫn tự nhận là mèo
Mọi người xung quanh lắm khi bỡ ngỡ
Nhưng mình gọi quen rồi, từ thuở yêu nhau.
– Mèo ơi! tối nay em mời anh đi xem phim nhé!
– Mèo ơi! Em có thích xem bóng đá trận chiều mai ở sân Mỹ Đình không ? Anh có khả năng kiếm được 2 vé đấy.
Thậm chí có lần nàng còn bẹo tai hắn để trừng phạt vì tội đến chỗ hẹn trễ mất 15 phút, tuy rằng hắn có lý do chính đáng là tắc đường.
Nôen năm nay trời rét. Người ta lại thuê hắn đi phát quà, mỗi suất thù lao 80.000 đồng. Hắn khó nghĩ lắm, ý nàng thì muốn hai đứa đi chơi nhà thờ, xem lễ. Hắn khéo nói lắm, nên cuối cùng nàng cũng đồng ý cho hắn đóng vai ông già Nôen.
– Nhưng mà Mèo phải cho em đi cùng, em cũng sẽ mặc quần áo đỏ và đeo râu, trẻ con lại càng thích vì cùng một lúc có 2 ông già Nôen đến tặng quà.
– Không được đâu Mèo ơi! Lộ tẩy mất, từ xưa đến giờ làm gì đã có bà già Nôen ? Trẻ con nó vuốt râu em, không lẽ em không nói câu gì, mà nói thì em giả giọng đàn ông sao được.
Cuối cùng thì nàng thông cảm, đồng ý cho hắn làm ông già Nôen đi phát quà một mình. Hắn ra đi từ lúc hơn 5 giờ chiều. Suất quà đầu tiên, hắn phải lách vào ngõ Thổ Quan, đi ngược chiều với một đoàn xích lô gọng vàng chở đám ăn hỏi, dễ có đến 20 chiếc. Chắc là nhà có của, những ông bà ăn mặc sang trọng, bia và bánh xếp thành hình tháp từ sàn xe chạm đến nóc xe, lại có mấy thanh niên ăn mặc theo lối cổ, quần xa tanh trắng, áo thụng xanh, đội khăn xếp. Hắn mơ màng liên tưởng đến nàng, liệu hắn có lo nổi một đám ăn hỏi cỡ như thế này ? Đã có lúc, nghĩ đến gia cảnh hai người quá chênh lệch, hay là nói lời chia tay. Nhưng chỉ thoáng có ý nghĩ đó, tim hắn thắt lại, nụ cười của nàng, hơi thở của nàng, kể cả cái bẹo tai của nàng, tất cả như một chất men say, làm sao hắn quên được. Quen nhau cũng đã lâu, nhưng hắn đều tìm cách chối khéo mỗi khi nàng đòi đến thăm nhà. Đến làm sao được, để nàng trông thấy cái căn hộ hơn 25 mét vuông của bốn mẹ con cùng với những đồ lề mà mẹ hắn cần dùng để chế tạo ra thúng bánh khúc ngồi bán rong hằng ngày và mọi thứ chổi cùn rế rách. Chỉ duy nhất có một lần, nàng ngồi sau xe, đi qua trước ngõ nhỏ nhà hắn, hắn hất hàm chỉ vào ngõ nhà hắn mà bảo “ Nhà anh ở trong ấy …”
Trao xong suất quà thứ ba thì đã gần 10 giờ đêm, năm nay trời rét đậm rét hại, trong người hắn thì vã mồ hôi, nhưng mặt, mũi và tai thì lạnh cóng, hơi hắn thở ra thành một đám hơi nước mờ mờ trước mặt . Dắt xe vào trong ngõ, hắn thấy hình như có người đứng đợi, chiếc mũ ông già Nôen màu đỏ với những ông sao trắng bạc lấp lánh trong ánh đèn khuya, và một giọng con gái nghèn nghẹn nửa mừng nửa tủi:
– Mèo ơi!
Hà Nội , tháng 1/2008
DÃ MAN !
Đời lão phong trần nên trông lão già hơn so với tuổi 55. Mặt vuông chữ điền, hàng ria nghiêng nghiêng, nốt ruồi giọt lệ, áo quần tử tế, đôi mắt cá chày, nửa chén đã say, hay cười nhếch mép, đó là những thông tin ban đầu khi ta tiếp xúc với lão.
Dã man ! Đó là câu nói cửa miệng của lão. Uống được cốc bia hơi ngon, lão lim dim đôi mắt sau khi “ khà “ một tiếng : “ ngon dã man ! “. Một buổi chiều muộn, sau một ngày chạy xe ôm vật vã ngoài đường, lão mở khoá đẩy cửa bước vào nhà, một tờ thiếp mời đám cưới màu hồng nhét ở khe cửa rơi xuống đất, lão nhặt lên, miệng đọc dòng đầu : “ Trân trọng kính mời hai bác …”, tay thọc vào túi, nơi lão nhét đám tiền vụn khách trả. Hôm ấy là một ngày không vui, cả ngày lão chỉ chạy được ba cuốc xe, lão vô tình thốt lên : “ Dã man ! “.
Chạy xe ôm không phải là nghề của lão. Ngày xưa, lão là công nhân lái máy xúc, sau đó lão ’về một cục ‘ rồi xoay sang mua bia hơi đóng vào chai, dập nút, dán nhãn để đem giao cho các hàng nước. Công việc bại lộ, lão bán cái nhà trong ngõ, mua một chỗ gần ga mới ở đường Trần Quí Cáp để bán hàng nước. Tính lão nóng, bọn thanh niên vào uống nước, uống rượu mà dở trò quậy là lão mắng cho chạy mất dép, nên chẳng bao lâu, hàng nước của lão mất khách. Lão lại bán cái hàng nước, mua ngôi nhà mà lão ở hiện nay và xoay sang chạy xe ôm. Muốn tìm nhà lão, từ Cầu Mới ta hãy rẽ vào ngõ, rồi cứ đi cho đến khi nào nhà cửa trở nên thưa thớt, những tiếng ồn ào của phố phường Hà Nội để lại phía sau, đến một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nằm ở ven đường.
Đoạn đường vành đai 1 Kim Liên – Ô Chợ Dừa 6 làn xe với hai vỉa hè rộng rãi trùm lên một phần con ngõ, nơi có ngôi nhà cũ ngày nào lão đã từng sinh sống. Giá đất mặt đường lên từng ngày, hôm qua 140 triệu đồng/ mét vuông thì hôm nay đã 160 triệu, và ngày mai, người ta không dám chắc là con số sẽ dừng lại ở đấy. Khi con đường bắt đầu thi công, lão đã biết rằng nhà cũ của lão không có vinh dự ra mặt đường, mà nằm khuất sau nhà hàng xóm, nên sự tiếc nuối ngôi nhà cũ đã nhỡ bán đi trong lòng lão cũng dịu bớt một phần.
Hôm nay cũng lại là một ngày thưa khách. Lão về con ngõ thân thuộc, ở đấy có một quán bia hơi “ ngon dã man “ mà lão vẫn thường uống. Chưa kịp rẽ vào quán, thì như có một sức hút đặc biệt, lão phanh kít xe lại và đứng sững trước nền nhà cũ của mình. Trên nền đất của ngôi nhà mặt tiền và nhà cũ của lão là một móng nhà đang thi công, người ta đang đóng cọc để chống lún. Thì ra chủ mới mua luôn cả hai ngôi nhà để hợp khối. Nhìn kích thước móng nhà, một chiều 5 mét nhìn ra mặt đường, còn chiều sâu thì nhờ hợp khối nên dễ chừng cũng đến hơn 12 mét, trông rất hoành tráng.
– Ông Tài ơi ! Về thăm nhà cũ à ? Vào uống cốc bia đã!
Người chủ quán bia gọi lão. Lão mệt mỏi dắt xe vào quán.
– Này, cái nhà hồi nào ông ở đấy, trông nát thế mà bán được những ba tỉ rưỡi đấy!
Mặt lão gần như tái đi, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, miệng lão đắng ngắt
không thể thốt lên được lời nào. Ba tỉ rưỡi ! Sao trời lại quá bất công với lão đến thế ! Lão đi ăn cướp ai để được ba tỉ rưỡi cầm trong tay ? Đã đành là nhà ở mặt tiền con đường này không phải là chốn dung thân cho những thân phận con sâu cái kiến như lão, mà là chỗ ở và kinh doanh của các đại gia có tiền tấn trong tay, nhưng trước khi rời mảnh đất đã bao năm gắn bó, lão phải có chút gì cầm trong tay chứ! Biết thế này, lão chẳng cần xoay xở làm gì cho mệt người, chẳng lén lút đóng bia hơi thành bia chai, không mở hàng nước, không chạy xe ôm, cả nhà lão chẳng cần làm gì cả, dắt nhau đi ăn mày cũng được, chỉ cần giữ lấy cái nhà nát và bây giờ có ba tỉ rưỡi. Biết bao nhiêu là tiền !
Phút choáng váng qua đi, lão bần thần ngồi điểm lại nguyên nhân gì đã khiến lão rời bỏ ngôi nhà đáng giá bạc tỉ. Càng nghĩ, lão càng oán mụ vợ. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà thị lại quàng vào đời lão. Ngày ấy, lão chỉ nghĩ đơn giản: cả hai vợ chồng đều là công nhân, chồng lái máy xúc, vợ làm trong ga, cả hai đều ăn gạo sổ, đều có phiếu mua thực phẩm, thế là cơ bản lắm. Chứ còn về nhan sắc, thì thị không làm cho lão cảm động : mặt thị mỏng quẹt, mắt ti hí, mồm vuông mà lại rộng, vì thế nên một khi đã mở ra thì khó lòng mà khép lại, kể cả khi đôi mắt cá chày của lão đỏ vằn lên, lão tức mình thụi cho mấy cái khiến thị phải sơ tán ra đứng ở cột điện đầu nhà để tiếp tục bài diễn văn bất tận.
Sống mũi của thị khi đến gần mồm thì nở ra thành hai viên bi tròn với hai lỗ mũi to, điều này giúp cho sự hô hấp được thuận lợi và dài hơi hơn khi thị cãi nhau hoặc lên lớp cho lão về những sự đối nhân xử thế, thường kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Thị lại sinh một bề : kết quả cuộc hôn nhân của hai cái sổ gạo là ba đứa con trai nối nhau ra đời, cách nhau hai năm một, cứ như là chui ra từ một cái máy. Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần, các cụ dạy thế. Lão xoay sang chạy xe ôm, thì thị cũng chuyển ngành thành người buôn hàng mã, những hình nhân thế mạng, ti vi, nhà lầu, ô tô, xe máy, vàng lá, đô la..lắm hôm thị lôi về chất đầy nhà. Đã thế, thị lại mê tín không phải lối, lạy thánh mớ bái, một khi thị đã quỳ xuống, chắp tay lại, mặt quay về hướng tây, thì thị lẩm bẩm thông mây lọt gió những bài văn vần mà thị thuộc làu làu, cứ thế tuôn ra trôi chảy không vấp một chữ nào. Chỉ có lúc ấy, lão mới khâm phục thị là người thông minh, không thông minh sao được khi cái đầu óc bã đậu bé nhỏ của thị lại chứa được ngần ấy câu tụng niệm và kinh sách. Lão cay đắng nhận ra rằng, lời nguyền “ thánh thần quở phạt ” của thị đã trở thành sự thật. Đó là một hôm, do quá sốt ruột và điên tiết vì buổi cầu nguyện khấn khứa diễn ra quá lâu, lão tiện tay cầm cái tráp của thị ném mạnh ra sân, khiến cái nắp bung ra, và một mớ bòng bong áo xanh, áo đỏ, áo nâu cùng khăn xếp, là những thứ thị dùng khi đi lễ bung ra vương vãi trên mặt đất. Thôi đúng rồi ! Cái ý nghĩ bán ngôi nhà trong ngõ để mua một chỗ bán hàng nước ở gần ga nảy ra trong đầu lão chính là sau cái ngày xảy ra sự việc đó, khi lão đã vô tình báng bổ, xúc phạm các Ngài…
Lão cầm cốc bia lên, ngụm bia hơi “ ngon dã man “ trôi xuống cổ họng đắng ngắt. Lão tính tiền cốc bia để lên bàn, rồi thẩn thờ đứng dậy, chẳng chào chủ quán, lão ra về, chân đi nhẹ hẫng, miệng lẩm bẩm :
– Dã man !
Hà Nội, tháng 2-2007
NỂ VỢ MÀY
1-
Hắn đang ngồi tán gẫu với một người bạn ở phòng khách. Người này chơi thân với hắn sau cái đận hai anh em được nhà máy Thiết bị điện 100% vốn nước ngoài cử đi công tác ở Qatar, hắn với tư cách là kỹ sư ở Phòng Thiết kế, còn anh bạn là thợ bậc cao ở Phân xưởng sản xuất; chuyến đi có nhiệm vụ khắc phục một số lỗi của sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Anh bạn hơn hắn khoảng bảy tám tuổi, vẫn là lính phòng không, còn hắn chưa đến ba mươi mà con trai đã 5 tuổi, đang học lớp mẫu giáo lớn.
Thiên tình sử của nàng và hắn bắt đầu từ khoảnh khắc nàng nhoẻn miệng cười đưa tay đón cái quả đỏ đậy khăn vàng từ trên tay hắn trong một buổi sáng Hà Nội cuối thu, nắng thì vàng như mật, còn gió thì man mác nhè nhẹ khiến người ta bâng khuâng. Hắn đi bê quả đỏ giúp cho nhà trai, năm chàng trai trẻ trung quần âu đen, tóc chải mượt, giày đen bóng, áo sơ mi trắng, thắt cà vạt đỏ. Còn nàng thì giúp cho nhà gái đứng đón quả đỏ, năm cô gái chiều cao gần như nhau, áo dài hồng, má phơn phớt hồng, mắt nhè nhẹ xanh, môi mòng mọng đỏ. Chỗ chân cầu thang dẫn vào cửa căn hộ tầng một của cô dâu chỉ đủ chỗ cho năm cô đứng, nếu rộng hơn, có lẽ người ta đã xếp đến 7 cô. Một năm trôi qua sau cái buổi sáng cảm động ấy, hắn nhắc nàng: Em ơi! Hà Nội lại vào thu/với sớm ban mai lãng đãng sương mù/với gió heo may hãy còn bỡ ngỡ/tìm lối về qua nẻo các chung cư. Mùa thu là khúc dạo đầu của mùa cưới, sau lời nhắc nhở ấy là lễ cưới của nàng và hắn, chuyện đại sự trăm năm đối với hắn đầu xuôi, đuôi lọt, vậy mà sao đối với một số người lại khó khăn đến nhường ấy, thí dụ như ông bạn đang ngồi trước mặt hắn đây.
Không hài lòng lắm vì lời chê của bạn: “ Mày là thằng tảo hôn “, hắn thấy cần phải thuyết giảng đôi điều, ngụm bia làm cho hắn phấn chấn và tự tin hơn:
– Em bảo với bác thế này nhé ! Theo truyền thuyết, Thượng đế sinh ra đàn ông chúng ta, rồi lại lấy xương sườn của chúng ta để chế tạo ra đàn bà, ban cho họ nhan sắc để quyến rũ chúng ta; dù họ có nũng nịu như mèo con hay gầm gừ như sư tử thì nụ cười hay nước mắt của họ cũng làm cho cuộc sống chúng ta thêm phần thi vị; rồi họ sinh con đẻ cái để chúng ta nâng niu, bế bồng và quát mắng. Cái vòng lẩn quẩn ấy, không có người đàn ông nào trên thế gian này thoát được đâu, Thánh hay Phật cũng thế, Đức Phật Thích Ca trước khi xuất gia đã có vợ đấy thôi! Vậy thì một lúc nào đó, vui miệng và cởi mở, kể cho tôi nghe về người con gái đã đi qua đời bác thời trai trẻ. Và hãy đi tìm chiếc xương sườn của mình, tìm lấy cái vung thích hợp để úp lên cái nồi cô đơn, ngạn ngữ đã có câu muộn còn hơn không, lần gặp sau bác đừng có mà nhăn răng ra cười để nói với em : ” vũ như cẩn- vẫn như cũ “…
Có tiếng bước chân nàng đi từ tầng hai xuống ngang cầu thang kèm theo một tiếng đằng hắng, bài thuyết giảng của hắn đột ngột dừng lại, hắn vội vàng đẩy cốc bia về phía khách :
– Ấy chết, mời bác xơi đi kẻo nhạt!
Người không tinh ý lắm cũng có thể nhận thấy sự thay đổi thái độ của hắn nói lên điều gì rồi, huống hồ là một người tuy chưa có vợ nhưng khôn ngoan lõi đời như bạn hắn.
Rồi đến một buổi sáng trước giờ đi làm, ông bạn có tí việc cần trao đổi trước khi đến nhà máy và chứng kiến câu chuyện sau đây. Thằng cu Tí mè nheo: “Ăn cơm rang, ăn cơm rang cơ!”. Nàng đã nấu mì ăn liền cho cả nhà, để sẵn trên bàn ăn rồi, hắn chỉ việc ăn và dỗ thằng bé cùng ăn, xong rồi thì người nào việc nấy, hắn đưa thằng bé đến trường rồi
còn đi làm, nàng đảo qua chợ một lúc rồi đến cơ quan. Thằng bé mè nheo đến lần thứ ba thì hắn xiêu lòng, lấy cái chảo inốc đặt lên bệ bếp, toan đi rang cơm. Đúng lúc ấy thì nàng từ trên tầng hai bước xuống với mênh lệnh kiên quyết ” ăn mì nhanh lên cho bố còn đi làm!” . Thằng bé vẫn thích ăn cơm rang, vồ ngay cái chảo cắp vào nách, cán chĩa lên trời như khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Hắn thấy cần thay đổi lập trường, chuyển từ phe ăn cơm rang sang phe ăn mì-thì những người không vững, trước một sức ép nào đó thường thay đổi lập trường nhanh trong nháy mắt; vả lại nhất vợ nhì giời, cãi nhau với giời còn không được phép, huống hồ cãi vợ-tiện tay, hắn vớ lấy cái chổi lau nhà làm vũ khí răn đe để đứng về phe ăn mì, cán dứ dứ lên trời:
– Ăn mì!
Người khách tủm tỉm cười, trông hai bố con lúc ấy chẳng khác gì Tôn Ngộ Không đại chiến Hồng Hài Nhi, trong bụng nghĩ thầm : “Hết cãi nhé! Đây là chứng cớ thứ hai để anh liệt chú mày vào hàng ngũ những anh hùng râu quặp !”.
Xong cái đoạn ăn mì, hai anh em đến nhà máy, hắn vào Phòng Thiết kế lấy thêm một bản thiết kế máy biến áp 2500 KVA-35/22 KV đến xin chữ ký trưởng phòng để chuyển xuống phân xưởng sản xuất. Người trưởng phòng nheo mắt liếc qua, đã toan đặt bút ký vào chỗ quy định, thì bỗng phát hiện ra một sai sót nhỏ, rất nhỏ, nên hắn phải mở file, sửa lại một tí, in bản mới rồi đem trình lại. Sau khi đặt bút ký, trưởng phòng nói với hắn:
– Never mind!
Mấy anh bạn cùng phòng mỉm cười ý nhị, ông ấy nói never mind mà nghe cứ như là nể vợ mày, mà cái tiếng Anh phải gió lại hay nói ngược, con chó của tôi lại thành của tôi con chó, vậy thì nể vợ mày chắc chắn phải được hiểu là mày nể vợ rồi. Thế là từ hôm đó trở đi hắn trở thành ông never mind, phát âm tiếng Việt là Ne Vơ May hay Nể vợ Mày thì cũng thế.
2-
Ông Never mind! Không hề gì, dẫu sao, đó cũng chỉ là bí danh. Mà cái sự bí danh thì nó vô cùng! Con trai hắn có một cái tên khai sinh rất đẹp, nhưng vợ chồng hắn vẫn quen gọi là cu Tí. Thằng bé hàng xóm sinh năm Đinh Sửu (1997), tuổi trâu, mà trâu mới sinh thì gọi là Nghé, nó mang cái bí danh ấy đến tận bây giờ và có lẽ còn dài dài về sau. Vì vậy, mỗi khi ở nhà máy, mọi người có nói: Ông Ne Vơ May đến rồi kìa! Thì hắn cũng chỉ cười trừ. Từ khi mang cái bí danh ấy, hắn quan sát vợ kỹ hơn và phát hiện rằng trán nàng dô, của này thì bướng phải biết, cái điều đơn giản ấy bị những tình cảm nồng cháy ban đầu che lấp nên hắn chưa kịp để ý đến. Vả lại, những trường hợp bất đồng quan điểm mà hắn phải chiều theo ý nàng-như trường hợp ăn cơm rang hay ăn mì đã kể ở trên-chỉ làm lợi cho một đời trai là hắn mà thôi! Chẳng hạn, hồi mới ra trường, do sự tiến cử của thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, hắn vào làm ở Nhà máy Thiết bị điện do bạn của thầy làm giám đốc. Hắn nhanh nhẹn, giỏi tiếng Anh, con đường thăng tiến đang mở ra trước mắt, thì chỉ sau một buổi nàng được mời cùng với hắn dự buổi tổng kết cuối năm, khẩu hiệu rình rang, trịnh trọng giới thiệu, báo cáo báo cầy, diễn văn chúc tụng rồi diễn văn đáp lễ, văn nghệ văn gừng, rồi nâng lên đặt xuống vại bia ở nhà ăn tập thể…không hiểu nàng cảm nhận cái gì trong từng ấy thứ mà quyết định tìm manh mối bạn bè giúp đỡ để hắn xin phỏng vấn thi tuyển vào Nhà máy thiết bị điện 100% vốn nước ngoài. Rồi trúng tuyển, mức lương hấp dẫn, xuất ngoại liên miên. Mấy thằng Tây làm việc với hắn bảo rằng chơi với khách hàng Việt Nam chúng mày xương và nhiêu khê lắm, nên chúng tao hầu như chỉ nhận đơn hàng ngoại, do đó những cuộc xuất ngoại gặp gỡ khách hàng, trao
đổi kỹ thuật diễn ra liên miên, hết Malaysia, Indonesia rồi đến Ba Lan, Thổ Nhỉ Kỳ…khiến cho tầm mắt hắn mở rộng, tiếng Anh trở nên lưu loát trôi chảy hơn.
Đấy! Ai bảo nể vợ là khổ? Không! Nể vợ sướng lắm chứ! Không nghe vợ cái đận ấy, làm sao đời trai của hắn có thể rẻ sang bước ngoặt này?
Sự nể vợ làm cho hắn cảm động và cũng là nguyên nhân làm cho thằng bé thứ hai ra đời, thằng cu Tủn xét theo bí danh, hắn quen dùng bí danh rồi. Sau thời gian nghỉ đẻ 4 tháng thì phải xét đến việc phải gửi thằng bé ở đâu để mẹ nó đi làm. Nàng quyết định rèn luyện thằng bé ngay từ lúc nó ba tháng, ban ngày không cho ti, bắt bú bình cho quen, thằng bé phản đối cứ rúc vào nách mẹ tìm ti làm hắn cũng hơi động lòng. Rồi hết thời gian nghỉ 4 tháng, nàng quyết định không thuê ôsin mà gửi nó cho cô giáo ở ngay cạnh nhà, trả lương triệu bạc một tháng; gọi là cô giáo cho sang, chứ cô mới hai mươi, có đứa con gái nhỏ, học may sắp thành tài, nhưng nếu đi làm thuê thì lương lậu chả được bao nhiêu nên khi nàng ngỏ ý thì vui vẻ nhận lời. Quyết định của nàng làm cho bà nội khi đến thăm phản đối kịch liệt, rồi lập trường của hắn cũng hơi dao động, nhưng rồi lại quyết định nể vợ lần này, một lần này nữa thôi đấy, rồi lần sau?….sau một cái tặc lưỡi, hắn nghĩ: Ừ! thì rồi cũng thế!
Hà Nội, tháng 10-2007