Dịch giả phải là “ba trong một”

 

Là một dịch giả, chị có nhận xét gì về tình hình văn học dịch của ta trong vài năm trở lại đây?

Chỉ cần dạo qua các hiệu sách, nhất là ở khu vực Tràng Tiền hay những các trung tâm bán sách lớn của Hà Nội, lập tức ai cũng nhận thấy sự “bung” ra của sách dịch, trong đó có sách văn học.Thôi thì thượng vàng hạ cám. Ngay những người có chuyên môn, am hiểu văn học, cũng còn thấy rối tinh rối mù, huống hồ độc giả bình thường. Đứng giữa biển sách mênh mông, không được hướng dẫn, giới thiệu, độc giả thường rất lúng túng và hoang mang. Trong hội chứng hàng rởm, hàng nhái hiện nay, việc họ sợ mua phải sách rởm là đương nhiên. Tôi dám cá cứ mười người mua sách thì cả mười người dứt khoát, không lần này thì lần khác, thể nào cũng mua phải sách rởm, trong đó có sách dịch.

“Rởm” ở đây chỉ là chất lượng dịch? Hay do bản thân nguyên tác cũng là đồ rởm, mà người ta chọn dịch do thiếu hiểu biết, thiếu lựa chọn và/hoặc thiếu nhiều cái khác nữa?

Cả hai. Nếu nguyên tác không hay thì vô phương, dịch càng “chuẩn”, càng lộ rõ cái không hay, còn nếu hay, mà lại rơi vào mấy dịch giả – “máy chém” hay “cai đầu dài”, thì cũng rồi đời. Tác phẩm văn học là một cơ thể sống, có kết cấu, hơi thở, nhịp điệu, bị cắt rời từng mảnh để nhiều người cùng dịch một lúc cho nhanh, cho rẻ (nếu thuê sinh viên), sau đó dịch giả – cai đầu dài – có nhiệm vụ lắp ghép những mảnh dịch lại, “mông má” thêm, cuối cùng chúng ta nhận được một xác chết mà đôi khi các bộ phận còn không được lắp đúng chỗ.

Tôi hi vọng việc dịch tràn lan, dịch ẩu tới đây sẽ thuyên giảm, vì các nhà xuất bản, hay các nơi “sản xuất” sách, phải bỏ tiền mua bản quyền tác giả nên họ sẽ chọn kĩ càng hơn người dịch và bản dịch có chất lượng.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ một phần. Theo tôi, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tồi tệ trong mảng sách dịch thời gian vừa qua là quan niệm về việc dịch sách.

Tôi có cảm giác nhiều người nghĩ rất đơn giản, hễ biết ngoại ngữ là dịch được sách, nhất là sách văn hoá, văn học (sách về khoa học tự nhiên còn đòi hỏi sự hiểu biết về chuyên môn, nên không phải ai cũng dịch được). Chính vì thế mà xảy ra những cái thậm vô lí: có những tác giả nước ngoài được giới thiệu là đại văn hào, đại thi hào, đoạt được những giải lớn của quốc tế, tác phẩm của họ được cả thế giới tung hô, nhưng khi đọc các bản dịch thì lại thấy sáng tác của họ cũng xoàng, có khi chẳng bằng các nhà văn, nhà thơ loại hai của ta.

Thực ra, dịch sách văn học rất khó, đòi hỏi nhiều điều kiện, chỉ cần dịch giả không đáp ứng được một trong những điều kiện đó, tác phẩm dịch cũng đã đánh mất nhiều cái hay, cái đẹp trong nguyên tác. Biết ngoại ngữ giỏi là điều kiện tiên quyết, song chỉ là một trong những điều kiện của công việc dịch. Những người biết ngoại ngữ, song tiếng Việt yếu, thì cầm bằng như không. Đọc văn bản dịch của họ không khác nào nghe ông tây nói tiếng Việt. Giỏi ngoại ngữ và tiếng Việt như nhau, song cảm thụ văn chương không tốt, thì cũng chỉ có thể đưa ra được một văn bản dịch chuyển tải nội dung chính xác, nhưng là sự chính xác của… biên bản họp. Âý là còn chưa kể nhiều tác phẩm phức tạp, đòi hỏi phải có vốn văn hoá sâu rộng, những kiến thức về lịch sử, triết học, mĩ học, tôn giáo v.v.. Gặp những loại tác phẩm như thế, nếu lượng sức mình không kham nổi, tôi xin thành thật khuyên bạn nên thôi ngay, đừng dịch, cho dù nguyên tác có nổi tiếng mấy, đầu nậu có giầu mấy, nhà xuất bản có uy tín đến mấy…

Cũng như trong sáng tác – mỗi nhà văn, nhà thơ có phong cách riêng, phù hợp với từng thể loại nhất định, sách phù hợp với từng “tạng” người dịch. Không phải cuốn nào rơi vào vào tay mình, mình cậy mình biết ngoại ngữ, là mình cũng dịch được. Ngoài ra, người dịch, cũng giống như người sáng tác, phải có hứng, phải yêu thích và hiểu tác phẩm, phải lao tâm khổ tứ lắm lắm, thì mới chuyển tải được cái hay cái đẹp của nguyên tác.

Nhìn vào các quầy sách có thể thấy đa phần sách dịch là in lại, còn sách dịch mới khá thưa thớt. Phải chăng những người dịch không tìm được sách có chất lượng tốt để dịch, hay họ thấy việc đầu tư cho một tác phẩm dịch có chất lượng cao không được đáp ứng thỏa đáng cả về mặt tiếp nhận của người đọc lẫn sự trả công của nhà xuất bản?

Đúng. Câu hỏi cũng là câu trả lời. Chỉ xin bóc tách từng ý một để làm rõ vấn đề hơn, vì câu hỏi này có liên quan tới điều tôi đang nói ở phía trên.

Trước hết, thế nào là “không tìm được sách có chất lượng tốt để dịch”? Thế giới có một kho tàng sách vô cùng đồ sộ và quý giá do các nền văn học lớn đã, đang và sẽ đóng góp những kiệt tác của mình. Sách tốt có rất nhiều, có loại được xếp hạng cổ điển, đã được định giá trị vĩnh viễn. Có loại hiện đang “nổi” trong và ngoài nước, được giới phê bình và độc giả thống nhất đánh giá cao. Có loại đang gây tranh cãi… Muốn chọn được những sách ấy đòi hỏi phải có kiến thức văn học sử nhất định, bằng không sẽ chỉ “nghe hơi nồi chõ, “gặp gì dịch nấy”, rất mất thời gian và công sức.

Tôi xin lấy văn học Nga để làm ví dụ. Hơn nửa thế kỉ nay văn học Nga có vẻ như đã được dịch nhiều ở Việt nam. Tuy nhiên, những gì chúng ta đã dịch được chỉ là một bộ phận nhỏ của nền văn học đó. Chẳng hạn văn học giai đoạn thập niên cuối thế kỉ XIX, hai thập niên đầu thế kỉ XX mà người ta thường gọi là văn học Nga thế kỉ Bạc, còn chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam. Mà đấy lại là mảng văn học rất lớn với nhiều tên tuổi nổi tiếng và có ảnh hưởng không chỉ đối với văn học Nga. Nhưng nếu không am hiểu lịch sử, xã hội, văn học, văn hoá thời kì đó thì chẳng những không chọn được nhà văn cùng những tác phẩm đáng dịch, và nếu có chọn được, cũng khó mà dịch nổi. Chẳng hạn, dịch thơ Blok mà không hiểu ông là chủ tướng của thơ tượng trưng Nga và không nắm được những đặc điểm cơ bản của dòng thơ này cùng những thành tựu của nó, thì chúng ta cũng chỉ có thể dừng lại ở việc giới thiệu ông như một nhà thơ yêu cách mạng và những kiệt tác của ông cuối cùng chỉ còn là những bài thơ ngô nghê, khó hiểu trong bản dịch.

Hay như mảng văn học hậu hiện đại hiện nay cũng vậy. Nếu không nắm được những đặc điểm cơ bản của trào lưu văn học này, e khó có thể tìm được tác phẩm hay trong cái biển hậu hiện đại mêng mông, vàng thau lẫn lộn này. Chưa nói tới chuyện dịch.

Nói như vậy tôi đã động chạm tới vấn đề “đầu tư” cho việc dịch. Nhưng đó mới chỉ là khâu đầu tư “cơ sở hạ tầng”. Để toà nhà ra đời được còn phải đầu tư biết bao thời gian, công sức. So sánh như vậy phần nào khập khiễng, nhưng ý tôi muốn nhấn mạnh sự đầu tư thực sự mà mỗi dịch giả có lương tâm nghề nghiệp và yêu thích văn chương buộc phải làm.

Và quả là đáng buồn, thậm chí đáng nản, nếu công sức ấy không được đáp ứng thoả đáng từ phía tiếp nhận của độc giả lẫn sự trả công đích đáng của nhà xuất bản. Tuy nhiên đây không còn là việc của cá nhân người dịch, mà là việc chung của giới phê bình, nhà xuất bản…

Theo tôi, khâu giới thiệu sách (hay còn gọi là marketing) đang còn rất yếu. Nếu người làm sách đầu tư thích đáng cho khâu này thì việc tiêu thụ sách sẽ tốt hơn nhiều, đồng thời bạn đọc đỡ mất thời gian, công sức để tìm sách tốt. Muốn vậy đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa dịch giả, nhà xuất bản, giới phê bình nghiên cứu, báo chí và giới truyền thông đại chúng…

Tất nhiên, không thể đòi hỏi tác phẩm dịch nào ra đời cũng được tiếp nhận nhiệt liệt. Có những tác phẩm chúng ta biết chắc lượng người mua sẽ không nhiều. Song vì giá trị đích thực của nó, thì trước mắt chỉ cần vài trăm người có sách trong tay cũng là quý lắm rồi. Các nhà xuất bản, các nhà sách biết làm ăn hiển nhiên luôn có “chiến lược” tổng thể của mình bao gồm làm chiến lược marketing, chọn dịch giả có “thương hiệu” và “lấy ngắn nuôi dài”, lấy sách nọ nuôi sách kia với tỉ lệ hợp lí…

Còn dịch giả? Chắc phần nào cũng phải theo chiến lược đó thôi: dịch những truyện “con con, hay hay” đăng trên các báo, các tạp chí để “nuôi” những tác phẩm lớn. Thôi thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy, để tạo cho mình một thương hiệu, mà vẫn tự nuôi được mình (còn con cái thì đành nhờ “nửa kia” vậy).

Theo chị, đâu là giải pháp thiết thực nhất, có thể và cần làm ngay, để cải thiện một cách có thực chất tình hình dịch văn học nước ngoài ở ta hiện nay?

Trong việc dịch văn học nước ngoài nói chung, văn học Nga (chuyên môn của tôi) nói riêng, theo tôi điều quan trọng là phải giành lại độc giả cho văn học dịch “đứng đắn”. Trong tình trạng hiện nay người đọc chưa bắt kịp được nhịp phát triển của sáng tác văn học thế giới. Phải vừa dịch, vừa giới thiệu, giải thích cho độc giả, giúp họ hòa nhập vào sáng tác hiện đại, vào các nền văn hoá khác. Đôi khi không chỉ độc giả, mà cả những người làm sách và biên tập viên nữa. Không ít lần đọc những bản dịch các tác phẩm của một số cây bút đang được đánh giá cao ở Nga, một số người phụ trách các báo và tạp chí đã lắc đầu quày quậy nói không dùng được, không hợp “gu” người Việt Nam. Tôi không hiểu cái “gu” mà họ nói là như thế nào, chẳng lẽ là cái “gu” đọc những chuyện tình ướt át, những truyện trinh thám giải trí, hoặc những tác phẩm gây sốc trước mắt, song ít có giá trị lâu bền? Do vậy, để giới thiệu cho bạn đọc Việt nam những tinh túy của văn hoá thế giới, hướng dẫn họ tìm và đọc, tự bản thân chúng ta, những người liên quan tới công việc này, cũng phải tự học rất nhiều.

Lâu nay trong Hội Nhà văn Việt nam đã có một hội đồng dịch. Theo chị, hội đồng này đã và đang làm được gì? Liệu chúng ta có cần phải thành lập thêm một Hội dịch thuật Việt Nam – như một số người đã đề nghị – nữa không?

Vì tôi không có chân trong Hội đồng dịch và không theo dõi công việc của Hội, nên không dám đánh giá. Tuy nhiên, công việc liên quan tới dịch sách vô cùng nhiều, e rằng chỉ dựa vào một Hội đồng này thôi thì chưa đủ, cần phải thành lập thêm Hội dịch thuật Việt nam để quy tụ dịch giả. Bên cạnh đó còn phải mở trường lớp dạy dịch thuật, đào tạo dịch giả có bài bản. Ở ta việc dịch đang còn tự phát, chẳng có lí luận, tự mày mò, mạnh ai nấy làm. Cũng như nhiều ngành nghề khác, ở ta chưa có đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp, việc dịch còn là việc làm tay trái. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch sách yếu kém hiện nay.

Tuy nhiên, thành lập hội hoặc mở trường lớp thì không khó, vấn đề là tổ chức và hoạt động sao cho có hiệu quả, và những người làm việc này phải là những người có tâm huyết với sự phát triển văn học nước nhà, phải thực sự có khả năng.

Một câu hỏi có tính “kinh điển” đối với các dịch giả: Chị quan niệm như thế nào về dịch? Quan hệ giữa nguyên tác và bản dịch liệu có thể là quan hệ đồng đẳng? Quan hệ giữa nhà văn và dịch giả liệu có thể là quan hệ giữa hai chủ thể sáng tạo, chứ không phải giữa nhà văn-kẻ sáng tạo và con khỉ của ông ta (ý của G.G. Márquez)?

Đúng hơn, đây là câu hỏi mang tính nghề nghiệp. Và để trả lời câu hỏi này đòi hỏi một câu chuyện dài dài. Ở đây tôi chỉ xin trao đổi đôi lời qua kinh nghiệm dịch thuật ít ỏi của mình.

Khi nói đến dịch tác phẩm, có nghĩa là ta đã phân biệt công việc này với “phóng tác” (thuật ngữ hết sức ước lệ), trong đó dựa vào cốt truyện của tác phẩm gốc, dịch giả – nhà văn sáng tác một tác phẩm khác bằng văn phong, chữ nghĩa của mình. Tác phẩm gốc và cốt truyện của nó, trong trường hợp này, chỉ là chất liệu để dịch giả-nhà văn chuyển tải ý đồ nghệ thuật của mình. Tác phẩm “phóng tác” đôi khi có giá trị nghệ thuật vượt trội so với nguyên tác.

Nhưng với tác phẩm dịch thì khác. Dịch giả không chỉ buộc phải lệ thuộc vào cốt truyện, mà còn lệ thuộc câu chữ, ngữ pháp… của nguyên tác. Nhưng sự lệ thuộc này lại không được máy móc. Trong tác phẩm dịch, thay vì tự mình sáng tác trên cơ sở cốt truyện có sẵn, người dịch phải thể hiện được cái hay của văn phong, câu chữ của tác giả bằng ngôn ngữ của mình. Nếu trong truyện “phóng tác” hình ảnh tác giả của văn bản gốc bị thay bằng hình ảnh của tác giả phóng tác, thì trong tác phẩm dịch, hình ảnh của tác giả văn bản gốc càng hiển hiện rõ nét bao nhiêu (thông qua văn phong, câu chữ), tác phẩm dịch càng thành công bấy nhiêu. Việc G.G Marquez yêu cầu người dịch tác phẩm văn học sang tiếng nước ngoài phải là “con khỉ” của tác giả, là một cách nói hình tượng nhằm diễn giải cái gọi là “tín” trong dịch thuật. Chứ không phải nhà văn dạy chúng ta dịch một cách máy móc, cơ học, như khỉ bắt chước hành động của người.

Và để đạt cái sự tín không máy móc, tín sáng tạo – tín + nhã, người dịch phải rất khổ công. Anh ta phải vừa là nhà nghiên cứu, vừa là dịch giả, vừa là nhà văn, có nghĩa là “ba trong một”. Với tư cách nhà nghiên cứu, anh ta phải biết tác giả là ai, đóng vai trò gì trong lịch sử văn học dân tộc, đồng thời còn phải tuân thủ nghiêm nhặt nguyên tắc rất cơ bản mà trường phái Phê bình mới đề ra, đó là nguyên tắc đọc kĩ (close reading). Nhờ sự đọc kĩ theo kiểu nghiên cứu này, dịch giả, hơn bất cứ người đọc nào, nắm được tư tưởng, hồn cốt, văn phong, thói quen dùng từ ngữ, kiểu cách đặt câu… của nhà văn. Anh ta buộc phải trở thành người đồng sáng tạo với tác giả. Đây là một quan hệ đồng đẳng và quan hệ này đòi hỏi ở dịch giả lòng dũng cảm trước các đại gia văn chương, chữ tín của dịch giả và cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Chính vì thế, tôi xin được nhắc lại, nếu chỉ biết ngoại ngữ không thôi, thì hoàn toàn không đủ điều kiện để dịch tác phẩm văn học.

  • Thụ Nhân (thực hiện)